Năm 1995, tác giả Daniel Goleman cho ra mắt cuốn sách. “Emotional Intelligence: why it can matter more than IQ” (“Trí tuệ cảm xúc: vì sao quan trọng hơn IQ”), một phong trào toàn cầu được phát triển để đưa “EQ” vào thực tiễn trong doanh nghiệp, trường học và cộng đồng trên khắp thế giới. Vậy EQ bắt nguồn từ đâu, nó có ý nghĩa gì – và tương lai như thế nào?

history-emotional-intelligence

Từ American Express đến Avon, các doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp nhận khái niệm này. Jack Welch thậm chí còn thảo luận về EQ [1] và Harvard Business Review gọi đó là “chìa khóa thành công”.[2] Trường học, bệnh viện và các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới đang áp dụng EQ vào thực tế. Từ học sinh tiểu học đến sĩ quan quân đội, chương trình giảng dạy hiểu về cảm xúc cung cấp một góc nhìn mới về con người.

Theo Tiến sĩ Goleman, mọi chuyện bắt đầu khi hai giáo sư tâm lý học trò chuyện với nhau về chính trị trong khi sơn lại tường nhà vào một ngày hè:

“John Mayer và Peter Salovey là những người đầu tiên phát minh ra khái niệm trí tuệ cảm xúc”, Goleman giải thích. Salovey (hiện là Chủ tịch Đại học Yale) và Mayer (hiện là Giáo sư tại Đại học New Hampshire) cùng trò chuyện về nghiên cứu của họ liên quan đến nhận thức và cảm xúc và cuộc trò chuyện xoay quanh một chính trị gia. Họ thắc mắc: vì sao một người thông minh như chính trị gia này lại có thể hành động ngu ngốc đến vậy? Họ đi đến kết luận:

Việc đưa ra quyết định thông minh đòi hỏi nhiều hơn trí thông minh được đo bằng chỉ số IQ truyền thống.

Mọi chuyện bắt đầu khi hai giáo sư tâm lý học trò chuyện với nhau về chính trị trong khi sơn lại tường nhà vào một ngày hè và thắc mắc… vì sao một người thông minh như chính trị gia này lại có thể hành động ngu ngốc đến vậy?

Goleman tiếp tục: “Sau cuộc trò chuyện đó, hai vị giáo sư đã xuất bản một bài báo có tính khai sáng tuyệt vời — nhưng tiếc là bài báo được đăng trên một tạp chí ít người biết đến. Ngay khi tôi đọc được khái niệm trí tuệ cảm xúc của họ, tôi cảm thấy như có ánh chớp lóe lên trong đầu. Và tôi nghĩ, ‘mình phải viết về điều này!’” Golman sau đó cho ra đời cuốn sách với hơn 5 triệu bản, in bằng 30 ngôn ngữ. Ông đã đúng: Thế giới đã sẵn sàng tìm hiểu về khái niệm mới mẻ nhưng vô cùng hấp dẫn này.

Goleman, Salovey và nhiều nhà lãnh đạo khác trong lĩnh vực này đã gặp nhau để chia sẻ những phương pháp hay nhất và nghiên cứu hiện tại Hội nghị NexusEQ thường niên, bắt đầu tại San Francisco vào năm 2000. Hội nghị sau đó tiếp tục diễn ra thường niên trên toàn cầu — bao gồm cả Holland 2005 và Hội nghị NexusEQ 2013 tại Đại học Harvard có sự tham gia của 32 quốc gia.

“Đây là một phong trào toàn cầu, nhưng mọi người đều bị cô lập,” Goleman giải thích. “Đối với tất cả những ai đang lao động trong hoàn cảnh đơn độc — trong trường học, trong doanh nghiệp, trong bệnh viện, trường đại học, bất cứ nơi nào bạn có thể ở. Bạn là một phần của cộng đồng — một cộng đồng ảo của những người có cùng chí hướng theo đuổi công việc quan trọng này. Cơ hội để tụ họp và gặp gỡ những người khác trong ‘gia đình’ của bạn là vô cùng quan trọng.”

Điều gì khiến trí tuệ cảm xúc trở nên hấp dẫn? Một phần vì nó giải đáp nhu cầu muốn hiểu được sự phức tạp của việc tương tác giữa con người. Một phần vì nó cho phép những người thực hành mang lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và trí tuệ đến trường học và tổ chức. Và một phần vì trí tuệ cảm xúc mang lại kết quả ấn tượng.

Theo Goleman, một lợi ích vô cùng to lớn của trí tuệ cảm xúc là nó “có thể giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn.” Hiệu quả gia tăng này vô cùng có giá trị đối với doanh nghiệp, cần thiết cho giáo dục và có tác động chuyển đổi đối với cuộc sống cá nhân.

“Trí tuệ cảm xúc có thể giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn” – Daniel Goleman

 

EQ trong Kinh doanh

American Express, Avon, Qatar Airways, Unilever, HSBC, Pfizer, Lockheed, Hilton, Emaar, Motorola và Johnson & Johnson có điểm gì chung? Ở nhiều cấp độ khác nhau, tất cả đều đang chuyển sang trí tuệ cảm xúc để cải thiện hiệu suất tổ chức. Tham khảo tại đây để tìm hiệu về các dữ liệu liên quan đến vai trò và giá trị của trí tuệ cảm xúc đối với hiệu suất và các kết quả quan trọng trong doanh nghiệp. Trong cuốn sách của mình, Heart of Leadership (Tâm điểm lãnh đạo), tôi tóm tắt nhiều thập kỷ nghiên cứu thành cụm từ:

Cảm xúc thúc đẩy con người. Con người thúc đẩy kết quả.

Để hiểu cách các tổ chức đã và đang cải thiện kết quả nhờ EQ như thế nào, khảo sát trong doanh nghiệp The Business Case for Emotional Intelligence trình bày dữ liệu và các phương pháp hay nhất. Như đã giải thích trong Six Seconds’ EQBiz, hầu hết các lĩnh vực từ phát triển lãnh đạo, bán hàng, quản lý tài năng (tuyển chọn, phát triển, giữ chân, chiến lược), đến thay đổi văn hóa và các quy trình phát triển nhân sự khác, đều ghi nhận sự thay đổi nhờ EQ.

“EQ định nghĩa khả năng quan hệ của chúng ta”, theo Goleman. Ông cũng cho rằng điều này vô cùng cần thiết đối với những nhà lãnh đạo luôn phải đưa ra lựa chọn và quyết định dựa trên vô số mối quan hệ trong một mạng lưới nhân sự phức tạp. Các nhà lãnh đạo biết sử dụng hiệu quả cảm xúc của mình để truyền cảm hứng, phát triển sự tự tin, cam kết và quan tâm sẽ đạt được kết quả tốt hơn. “Mỗi cấp độ tổ chức là một đặc tính mới nổi của cấp độ bên dưới. Bạn có thể nhìn vào hai người tương tác và sau đó xem cách điều đó lan tỏa thành các đội, nhóm và toàn bộ tổ chức.”

“Goleman giải thích thêm: “Trong cuốn Primal Leadership, đồng nghiệp của tôi Annie McKee mô tả một người phụ nữ tuyệt vời làm việc cho tổ chức UNESCO ở khu vực Nam Á. Là lãnh đạo của tổ chức, bà đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới. Bà đã sử dụng trí tuệ cảm xúc của mình để truyền cảm hứng cho toàn bộ nhân viên về sứ mệnh trên. Nhờ vào lòng thấu cảm và quan tâm thực sự, bà không xem điều mình làm đơn thuần chỉ là công việc và đã giúp đội ngũ của mình trở nên hiệu quả hơn nhiều.”

Khả năng phát huy tối đa năng lực của đội ngũ giúp các nhà lãnh đạo phát triển hiệu suất cho cả tổ chức. Tại L’Oreal, các đại lý bán hàng khi được tuyển dụng dựa trên một số kỹ năng trí tuệ cảm xúc đã giúp tăng thêm doanh thu ròng hàng năm là $2,558,360. [3] Không quân Hoa Kỳ đã tiết kiệm được 2,7 triệu đô la chi phí tuyển dụng bằng cách sử dụng hồ sơ EQ. [4] Sáng kiến EQ kéo dài một năm tại Sheraton Studio City ở Orlando đã giúp cải thiện sự hài lòng của khách hàng, giảm tỷ lệ nghỉ việc và tăng thị phần lên 24%. [5] Có thể tìm thêm dữ liệu từ Liên đoàn nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc trong tổ chức (www.eiconsortium.org) và sách điện tử miễn phí của Six Seconds, The Business Case for Emotional Intelligence.

 

 

Mang EQ vào Trường học

Một trong những lĩnh vực thú vị nhất của việc thực hành EQ là trong giáo dục. Từ Durban, Nam Phi, đến Jakarta, Indonesia — và hầu như ở mọi thành phố ở giữa hai miền châu lục — các nhà giáo dục đã và đang khai thác khoa học về trí tuệ cảm xúc để đáp ứng lời hứa về sứ mệnh của giáo dục. Để tìm hiểu lý do và cách EQ hoạt động trong giáo dục và các phương pháp chính, hãy khám phá phần giới thiệu về SEL này .

Để xem lại nghiên cứu hiện tại, hãy xem báo cáo về áp dụng EQ trong học đường A Case for Emotional Intelligence in Our Schools, trong đó đánh giá cách EQ cải thiện thành tích, niềm vui trong học tập và môi trường giáo dục nói chung. Như giải thích trong báo cáo, kết quả của việc áp dụng trí tuệ cảm xúc trong trường học được ghi nhận ở nhiều cấp độ. Một trong số đó là chỉ số EQ tăng giúp giáo viên và đội ngũ ban giám hiệu làm việc hiệu quả hơn. Kết quả cụ thể được Tiến sĩ Anabel Jensen, Chủ tịch của Six Seconds, ghi nhận sau ba năm làm việc tại một trong những học viện lớn nhất tại Hoa Kỳ, với trọng tâm xây dựng lực lượng lao động hiệu quả hơn cho 12.000 nhân viên.

Goleman cho biết những nhà lãnh đạo trường học có trí tuệ cảm xúc càng cao sẽ càng thành công hơn: “Nghiên cứu quan trọng được thực hiện cho Bộ Giáo dục Vương quốc Anh, nơi họ xem xét Hiệu trưởng các trường học. Họ phát hiện ra rằng ở những trường học mà Hiệu trưởng sử dụng phong cách lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao thì thành tích học tập của học sinh càng cao”. Lý do? “Những nhà lãnh đạo trường học khi sử dụng EQ sẽ truyền cảm hứng cho giáo viên trở nên tận tụy và có động lực giảng dạy tốt hơn — và nhờ đó học sinh học tốt hơn”.

Vì vậy, cùng một logic thúc đẩy các công ty tăng cường EQ cũng áp dụng cho các trường học; ngoài ra, các trường học nhìn thấy những lợi ích đáng kể cho học sinh. Ở cấp độ hệ thống, môi trường làm việc hay học tập được cải thiện sẽ tạo điều kiện cho việc tăng thành tích. Ở cấp độ cá nhân, học sinh nếu phát huy khả năng tự chủ để xử lý và giải quyết những thử thách trong cuộc sống hàng ngày sẽ học tốt hơn. Rất nhiều trường học đã đưa EQ hoặc bộ môn học tập xã hội – cảm xúc (Social Emotional Learning), thành một kỹ năng cơ bản trong chương trình giảng dạy. Tổ chức Hợp tác vì sự tiến bộ của Học tập xã hội – cảm xúc (www.CASEL.org) đã thu thập một cơ sở dữ liệu nghiên cứu sâu rộng về chủ đề này. Kết luận: Đào tạo EQ cải thiện mối quan hệ của học sinh với trường học — từ đó cải thiện thành tích học tập của các em. Nghiên cứu cho thấy những học sinh được trang bị các kỹ năng xã hội và cảm xúc hiệu quả cũng ít có nguy cơ trở nên bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử.

Trong một nghiên cứu thí điểm về một trong những phương pháp tiên phong trong giáo dục trí tuệ cảm xúc, Self-Science, 100% giáo viên báo cáo rằng phương pháp này làm tăng sự hợp tác và cải thiện mối quan hệ trong lớp học. 92% đồng ý rằng Self-Science giúp tăng sự tập trung/chú ý của học sinh và cải thiện mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.

Những bằng chứng trên cho thấy đã đến lúc mọi trẻ em trên thế giới đều được học về các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc!

 

EQ và Cuộc sống

Để nắm bắt được những lợi ích của EQ đối với cá nhân, Goleman chuyển sang nghiên cứu của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Daniel Kahneman, và “Vòng xoay khoái lạc”.

“Thực tế cho thấy có nhiều của cải vật chất không phải lúc nào cũng khiến chúng ta hạnh phúc hơn” – Goleman giải thích. “Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng câu càng giàu càng hạnh phúc đúng nhất khi chúng ta chuyển từ cảnh nghèo đói đến mức đủ ăn, đủ mặc. Điều này có nghĩa là bạn không cần mức sống xa hoa để được hạnh phúc hơn nữa. Khi bản thân hạnh phúc chính là lúc chúng ta thoát khỏi guồng quay của những kỳ vọng và ham muốn cá nhân ngày càng tăng. Với việc áp dụng EQ, một trong những tố chất quan trọng được nuôi dưỡng và phát huy chính là khả năng tự quản lý cảm xúc cá nhân, khiến chúng ta hạnh phúc hơn.”

Cho dù hạnh phúc có vẻ là mục đích tầm thường đối với một số người, nghiên cứu cho thấy những người hạnh phúc cũng sống khỏe mạnh hơn, nhân ái hơn và thành công hơn. Những hàm ý này rất quan trọng — điều gì xảy ra khi tất cả chúng ta hài lòng hơn với cuộc sống? Điều này đưa Goleman đến giai đoạn tiếp theo trong nghiên cứu của ông: “Tôi đang xem xét câu hỏi: làm sao để chúng ta có thể sống hòa thuận với nhau ở mọi cấp độ — giữa cặp đôi, trong gia đình, cộng đồng, tổ chức và quốc gia? Có cách nào giúp chúng ta sống chan hòa, tỉnh táo và nhân ái hơn?”

Giống như hầu hết các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc học hỏi, nghiên cứu, thực hành trí tuệ cảm xúc, Goleman thấy rõ lợi ích của phương pháp này đối với bản thân. Goleman cho biết ông được truyền cảm hứng từ vợ mình, Tara Goleman (tác giả của Emotional Alchemy). “Đây là một cuốn sách tâm linh cũng như là sự tổng hợp của chánh niệm, liệu pháp nhận thức và tâm lý học Phật giáo. Nó cho thấy tầm quan trọng của sự thấu hiểu sâu sắc và lòng trắc ẩn của việc sống nhân ái — một thông điệp được Đức Đạt Lai Lạt Ma lặp lại. Những giá trị này song hành với suy nghĩ của riêng tôi và cũng mang lại cho tôi hy vọng về cuộc sống của mình.” – Goleman chia sẻ.

Sự kết hợp giữa nhận thức tâm linh, chánh niệm và trí tuệ cảm xúc nâng cao chất lượng cuộc sống — không hẳn nhờ vào việc vượt qua những cạm bẫy, mà bằng cách thêm gia vị vào những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. “Một trong những giá trị của việc thực hành này là chúng ta trở nên ít buồn chán hoặc lo lắng. Thay vào đó, chúng ta sống chủ động và trọn vẹn hơn với những gì đang diễn ra, bất kể chúng ta đang làm gì.”

Nhiều người hào phóng tặng Goleman danh xưng “cha đẻ của trí tuệ cảm xúc” nhưng ông nhanh chóng phủ nhận: “Tôi không thấy mình có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực này. Tôi là một nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu, bình luận và tác giả chứ không phải là bậc thầy về trí tuệ cảm xúc.” Ông khẳng định — “Tôi không phải là ‘Tiger Woods của trí tuệ cảm xúc.’ Đức Đạt Lai Lạt Ma mới xứng đáng với danh hiệu đó!”

 

Từ Goleman, Với Lòng Biết Ơn

Có vô số ví dụ về trí tuệ cảm xúc đang được áp dụng trên toàn thế giới. Kết hợp giữa nghiên cứu khoa học tiên tiến với các phương pháp đời thường, kỹ năng này đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý trong các tổ chức, từ nhà tù đến tổ chức quân sự, từ lớp học đến phòng họp, từ các cơ sở tôn giáo đến văn phòng chính phủ.

Goleman ghi nhận công lao của các nhà nghiên cứu và những người sáng tạo này. “Tất cả những gì tôi làm là quảng bá ý tưởng của người khác, tạo thành một trào lưu cho nhiều người đi theo. Phong trào này là một thành tựu hợp tác tuyệt vời. Vì vậy, tôi cảm thấy rất biết ơn mọi người vì điều đó.”

Goleman chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc là một hiện tượng toàn cầu: “Đây không chỉ là phong trào của người Mỹ mà là của thế giới.” Ngày nay, nhiều nỗ lực áp dụng EQ đang diễn ra trên toàn cầu. Sự phát triển của mạng lưới toàn cầu Six Seconds  chỉ là một ví dụ.

Điều tiếp theo cho việc ứng dụng EQ là gì? Goleman cho rằng,

“Đối với những ai đam mê thực hành EQ, tôi mong muốn chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra trên thế giới nói chung và sử dụng EQ để giải quyết các vấn đề trước mắt.”

Ông kết luận: “Cho dù đó là các vấn đề cục bộ địa phương, vấn đề quốc gia, hay toàn cầu liên quan đến nạn nhân sóng thần, số trẻ em nghèo đói, tôi hy vọng trí tuệ cảm xúc giúp mọi người vượt lên lợi ích cá nhân để quan tâm và có hành động thiết thực với những vấn đề cần được khắc phục trên thế giới. Tôi cũng hy vọng họ áp dụng EQ một cách hiệu quả nhất để giải quyết những thách thức này.”

Chúng ta đang đối mặt với những thách thức to lớn trên thế giới – để giải quyết chúng, chúng ta cần phải hợp tác hiệu quả. Chìa khóa để làm được điều đó chính là trí tuệ cảm xúc.


[1] Jack Welch, “Four E’s (a Jolly Good Fellow)” Wall Street Journal, January 23, 2004

[2] Harvard Business Review, Breakthrough Ideas for Tomorrow’s Business Agenda April 2003

[3] Spencer & Spencer, 1993; Spencer, McClelland, & Kelner, 1997 (cited in Cherniss, 2003

[4] Richard Handley, 1999, Conference Proceedings, NexusEQ 2003

[5] Joshua Freedman, Case Study: Emotional Intelligence at the Sheraton Studio City Hotel, Six Seconds, 2003

Interview by Joshua Freedman and Kees Blase, Jan 6, 2005; first published by Joshua Freedman Feb 1, 2005. Minor edits: July 12, 2015, Feb 29, 2024